Dấu hiệu phát hiện bệnh viêm tắc động mạch
Viêm tắc động mạch có triệu chứng nổi bật là hoại tử vùng tổ chức do động mạch đó nuôi dưỡng. Bệnh thường gặp ở nam giới, chi dưới mắc bệnh nhiều nhất, nhưng cũng gặp ở chi trên, ruột, động mạch vành, động mạch não…
Một người bị viêm tắc động mạch có thể thấy một hay nhiều dấu hiệu sau đây: cảm giác lạnh và dị cảm như tê bì, kiến bò… ở chi bị tổn thương. Khi hoạt động chóng mỏi và giảm khả năng vận động của chi.
Viêm tắc động mạch có triệu chứng nổi bật là hoại tử vùng tổ chức do động mạch đó nuôi dưỡng.
Đối với chi dưới bị tổn thương sẽ có dấu hiệu “đi cách hồi”: bệnh nhân đi được một đoạn đường, xuất hiện đau dữ dội và co rút cơ ở bắp chân nên phải dừng lại để nghỉ; nghỉ vài phút hết đau lại có thể đi tiếp; nhưng chỉ đi tiếp được một quãng đường ngắn hơn đoạn trước thì lại xuất hiện các triệu chứng trên và bệnh nhân lại phải dừng lại để nghỉ; quãng đường đi được giữa các lần nghỉ ngày càng ngắn lại, còn thời gian phải nghỉ để đỡ đau ngày càng dài ra. Khám thấy da của chi bị tổn thương màu tái nhợt hoặc xen kẽ các chỗ tái nhợt với da bình thường.
Nếu bệnh nhân để thõng chân xuống (để máu dồn xuống chân nhiều hơn) thì thấy da đỡ tái nhợt và hồng lên. Làm nghiệm pháp gẫp duỗi cổ chân: bệnh nhân nằm sấp, gấp duỗi khớp cổ chân vài lần thì sẽ thấy chỉ trong vài giây bàn chân của bệnh nhân sẽ trở nên tái nhợt; khi bệnh nhân đứng dậy nếu trong 10 giây màu da bàn chân không trở lại bình thường thì chứng tỏ có tổn thương viêm tắc động mạch chi dưới. Nếu bệnh nhân ngồi trên giường hay trên ghế buông thõng chân xuống, theo dõi thời gian các tĩnh mạch mu chân đầy trở lại: bình thường các tĩnh mạch này đầy trở lại trong vòng 7 giây, nếu thời gian dài hơn chứng tỏ có thể có viêm tắc động mạch. Bắt mạch chày sau và mạch mu chân, so sánh mạch ở hai chân thấy mạch yếu hoặc mất. Rối loạn tiết mồ hôi: da ở chi bị viêm tắc động mạch thường khô, teo. Lông chân thưa, rụng. Các cơ bị teo, nhẽo. Xương chi bị xốp do loãng xương. Loét và hoại tử đầu chi thường thấy ở giai đoạn cuối của bệnh, cảm giác đau ở chi tăng lên và liên tục, xuất hiện các vết loét ở đầu ngón chân và mu bàn chân, toàn trạng bệnh nhân suy sụp do nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng.
Cần chú ý phân biệt viêm tắc động mạch với các bệnh khác
Viêm tắc động mạch cần phân biệt với một số bệnh: hoại tử đầu chi trong bệnh đái tháo đường: không có dấu hiệu “đi cách hồi”, vị trí bị hoại tử thường ở gan bàn chân, gót chân, xét nghiệm thấy đường máu tăng, có đường trong nước tiểu. Bệnh xơ vữa động mạch: tổn thương động mạch của toàn thân chứ không riêng chi dưới như bệnh viêm tắc động mạch, có hoại tử vùng chi do xơ vữa động mạch nhưng thường xuất hiện ở người già, có tăng huyết áp, cholesterol máu cao…
Các bài viết về trị bệnh tim khác
- Điều trị hội chứng Marfan (3205 lượt xem)
- U tim dẫn đến đột tử (2184 lượt xem)
- Điều trị bệnh tim bằng phương pháp can thiệp (2691 lượt xem)
- Các loại thuốc nam chữa được bệnh tim (79387 lượt xem)
- Làm sạch răng có thể ngăn ngừa bệnh tim (4084 lượt xem)
- Điều trị bệnh tim nên cười nhiều (3841 lượt xem)
- Trị bệnh tim bằng rau diếp xoăn (8585 lượt xem)
- Tế bào mỡ điều trị bệnh tim mạch (3110 lượt xem)
- Dầu ôliu giúp giảm nguy cơ đột qụy (2984 lượt xem)
- Đau thắt ngực – triệu chứng của bệnh động mạch vành (0 lượt xem)